Hikikomori là gì? Một hiện tượng đáng buồn của xã hội Nhật Bản

Hikikomori là gì? Đây một hiện tượng đáng buồn của xã hội Nhật Bản. Theo thống kê của bộ y tế Nhật Bản thì có đến 50 ngàn người đang mắc hội chứng này. Tuy nhiên trên thực tế đội quân này có thể lên đến hàng triệu người 

Hikikomori một hiện tương đáng buồn ở Nhật Bản
Hikikomori một hiện tương đáng buồn ở Nhật Bản

Hikikomori là gì?

Trong khoảng thời gian 6 tháng trở lên, chỉ quanh quẩn tại nhà, né tránh tham gia vào xã hội, né tránh giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp, những người ngoài gia đình, không đi làm hay đi học (kể cả việc làm bán thời gian hay giáo dục bắt buộc), đó được gọi là “Hikikomori”.

“Hikikomori” bao gồm cả trường hợp những người có thể đi ra ngoài mà không giao tiếp với người khác, ví dụ như đi đến tiệm sách trong khi tránh ánh mắt người ngoài, hoặc đi tới cửa hàng tiện lợi lúc nửa đêm.

Độ tuổi của những người “Hikikomori” rất khác nhau, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Hikikomori ở lứa tuổi học sinh, thiếu nhi được gọi là “Futoko” .

Tại sao một người lại trở thành Hikikomori?

Vậy tại sao một người bình thường lại trở thành Hikikomori? Đáng tiếc là khó có thể giải thích nguyên nhân rõ ràng một cách ngắn gọn được. Con người tồn tại trong mối quan hệ tương tác giữa môi trường bên ngoài và nội tâm bên trong, duy trì tâm lý ổn định nhờ sự cân bằng giữa sức mạnh tinh thần chống chọi với những áp lực từ môi trường.

Nếu sự cân bằng ấy sụp đổ, khả năng cao con người sẽ rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn định. Không hẳn tâm lý sẽ bị tổn thương ngay lập tức. Nhưng nếu sự sụp đổ này kéo dài, bất an và căng thẳng dâng cao sẽ gây ra sự kiệt quệ về tinh thần. Tới một mức nhất định sẽ kéo theo các bệnh tâm lý như chứng sợ hãi xã hội. Rối loạn hoảng sợ (Panic disorder) hoặc rối loạn trầm cảm (depressive disorder). Hầu hết các Hikikomori đều có tiền sử bệnh tâm thần, dẫn đến việc không thể tham gia hoạt động xã hội.

Bên cạnh đó, sự cân bằng giữa áp lực và tinh thần nội tâm , nếu như lượng hoạt động, công việc ở trường học, công ty quá nhiều, hay khi mối quan hệ xã hội trở nên khắc nghiệt (chẳng hạn như bị bắt nạt), sự căng thẳng sẽ bị dồn nén, tích tụ nhiều hơn nữa.

Mặt khác, một người từ nhỏ đã nhút nhát, quá dựa dẫm vào cha mẹ, ít kinh nghiệm xử lý vấn đề thực tế và áp lực, lòng tự trọng dễ quá bị tổn thương, sợ xấu hổ và thất bại, khi ấy tâm lý chống chọi áp lực nhất định sẽ bị suy giảm.

Những ví dụ này nói cho cùng không thể giải thích triệt để lý do, mà một người bình thường lại trở thành hikikomori được. Nhưng nhìn chung ta sẽ thấy: khi lượng stress một người phải chịu vượt quá sức chịu đựng của nội tâm thì họ sẽ dễ trở thành hikikomori.

Phải làm gì khi chính bản thân mình trở thành Hikikomori

Có những Hikikomori cảm thấy khổ sở, nhưng cũng có Hikikomori vẫn thấy bình thường như mọi người khác. Vậy những người ở vế thứ nhất thường buồn lòng vì những điều gì?

Thứ nhất, là nỗi đau tâm lý khi trở thành một Hikikomori

“Tôi muốn thoát khỏi tình trạng Hikikomori, nhưng lại không có cơ hội”

“Tôi không biết mình nên làm gì”

“Tôi không biết mình nên trò chuyện với ai”

Thứ hai, sự đau khổ do các triệu chứng bệnh tâm thần gây ra.

“Chỉ cần nghĩ tới việc phải hoạt động bên ngoài là tôi đã quá sợ hãi”

“Tôi mệt mỏi với sự rối loạn tâm lý cưỡng chế như cuồng sạch sẽ, khóa trái cửa,…”

“Tôi không thể trò chuyện với ai mỗi khi suy sụp tâm lý”

“Tôi luôn cảm thấy mệt mỏi mỗi khi cố gắng tham gia xã hội như đi tới trung tâm việc làm hoặc đi học”

Thứ ba, nỗi đau khi bởi chính các mối quan hệ những người trong gia đình.

“Thật khó để tương tác với gia đình, thế nên tôi thường đóng cửa ở lỳ trong phòng”

“Tôi không thể nói chuyện với chính mẹ của mình”

“Bởi luôn bị mắng mỏ và chỉ trích, nên tôi chẳng còn muốn gặp bố mẹ và anh chị”

“Tôi thực sự không muốn, nhưng vẫn lỡ đánh mẹ tôi”

Quan trọng là khi bạn muốn vượt qua nỗi đau này, cũng là cơ hội để bạn thoát khỏi nó. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu nỗ lực giải quyết tình trạng của mình. Bạn không cần phải cố gắng thay đổi trong thời gian ngắn. Điều cần làm là cẩn trọng nỗ lực từng bước tham gia các hoạt động xã hội. Khi ấy mọi việc có thể không diễn ra trôi chảy như mong đợi, mà trì trệ, thậm chí là quay trở lại thời điểm ban đầu. Thế nhưng hãy nhớ rằng đây là việc mà bạn sẽ đương đầu khi chấp nhận thay đổi.

Trong chặng đường từng bước hòa nhập xã hội, sẽ an tâm hơn nếu có một người hướng dẫn thích hợp. Thêm vào đó, đa phần các trường hợp đều rất cần tới sự hỗ trợ của tâm lý học. Khi bạn muốn chấm dứt tình trạng hiện tại, hãy cất tiếng yêu cầu sự giúp đỡ. Hãy gọi tới trung tâm sức khỏe ở địa phương bạn sống, trung tâm phúc lợi và xã hội của cơ quan hành chính, hoặc các tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ cho Hikikomori. Ngoài ra, bạn có thể tới cả bệnh viện hoặc các phòng khám tâm lý.

Đừng quên rằng, khi bạn muốn thay đổi, cũng là cơ hội để bạn vượt qua tình trạng Hikikomori.

Nếu người thân xung quanh mình là Hikikomori thì nên làm thế nào?

Việc một người trong gia đình trở thành Hikikomori, tự nhốt mình trong nhà trong thời gian dài đối với những thành viên còn lại cũng rất đáng buồn.

Các bậc cha mẹ sẽ mang tâm trạng nặng nề, suy nghĩ tự trách bản thân rằng liệu con mình trở thành Hikikomori có phải do lỗi của mình, do cách nuôi dạy của mình không đúng hay không? Hay là do nguyên nhân con mình bị bắt nạt ở trường học hay nơi làm việc?

Tất nhiên, việc trách mắng người con bị Hikikomori của mình cũng không phải là cách.

Vậy thì, cha mẹ nên làm gì trong hoàn cảnh này?

Trong hoàn cảnh này, tốt hơn hết là cả bố và mẹ cùng nhau giải quyết. Cha mẹ nên bàn bạc thật kỹ lưỡng trước khi nói chuyện với ngưởi con Hikikomori của mình. Hãy cùng con nói về quá khứ, hiện tại và tương lai của gia đình. Chẳng hạn như chuyện con cái, chuyện vợ chồng, hay cảm xúc của cả hai khi hai người quyết định trở thành vợ chồng; cảm xúc của cả hai khi cùng nhau nuôi dạy con cái và cảm xúc hiện tại.

Vậy thì nên bắt đầu từ đâu và điều gì là cần thiết? Lúc này hãy liên hệ với các trung tâm chuyên hỗ trợ giúp đỡ những người Hikikomori (trung tâm chăm sóc sức khỏe, trung tâm sức khỏe tâm thần và phúc lợi, các cơ sở y tế, NPO… vào các địa phương khác nhau) và thảo luận với người phụ trách.

Điều quan trọng mà các gia đình phải nhớ là khi những triệu chứng của bệnh Hikikomori xuất hiện, có trường hợp đi kèm với dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt.

Cha mẹ có thể thấy con mình xuất hiện những triệu chứng như tự độc thoại như đang nói chuyện với ai đó; xuất hiện những ý nghĩ phi thực tế cảm thấy mình bị ai đó theo dõi; bị camera giám sát hoặc bị nghe trộm; hay có ảo tưởng nghe thấy tiếng chửi thề hoặc đe dọa. Khi đó hãy nhanh chóng đưa con bạn đến gặp bác sĩ tâm lý. Nếu con bạn từ chối điều trị, hãy tự mình đến thảo luận và xin tư vấn của các trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần trước.

Cả những người bị Hikikomori và gia đình của họ đều cần huấn luyện viên chuyên dụng. Thay vì bỏ cuộc và tự giải quyết vấn đề trong nội bộ gia đình thì hãy kiên trì hợp tác với các tổ chức hỗ trợ. Chúng tôi cũng khuyên bạn nên tham gia các buổi họp mặt của các bậc cha mẹ có con là Hikikomori. Tốt hơn hết là cả cha và mẹ cùng tham gia. Trong những buổi họp mặt này, bạn không chỉ  cảm thấy an tâm rằng mình không phải là người duy nhất gặp phải hoàn cảnh như vậy mà còn có thể nhận được nhiều sẻ chia, gợi ý của những bậc cha mẹ đã có nhiều kinh nghiệm.

Lược dịch từ nguồn: https://www.mhlw.go.jp

Với hệ thống Fanpage và Group gần 1.000.000 lượt theo dõi. Tương tác và ổn định nhất trong những Group và Fanpage về Nhật Bản hiện nay.  Chúng tôi luôn nỗ lực cung cấp thông tin, hỗ trợ các bạn mong muốn đến Nhật Bản với những thông tin chính xác hữu ích nhất. Truyền cảm hứng và giúp các bạn vững tin trên con đường đến với đất nước mặt trời mọc. Các bạn có thể tham khảo thêm các bài viết về Nhật Bản tại nhatbanchotoinhe.com – Kênh thông tin Nhật Bản số 1 Việt Nam