Nhật Bản nơi dạy tôi biết trưởng thành – Phần 3

Rời thành phố Osaka nhộn nhịp để lên máy bay về Fukuoka. Ở sân bay Fukuoka, chị phiên dịch người Nghiệp đoàn đã đứng đợi để đón bốn cô gái. Phố xá và con người ở đây cũng đông vui không kém thành phố Osaka là bao, mấy chị em thầm nghĩ: “Nhật mà – đâu đâu chắc cũng nhộn nhịp hiện đại thế này”

Xem thêm:

Đường về công ty

Chị người Nghiệp đoàn mua vé xe buýt cho cả năm người. Lên xe chỉ cần cho tiền vào máy rồi vé sẽ tự ra thật là tiện. Chị bảo từ đây về Kagoshima còn xa, mấy đứa mệt thì tranh thủ ngủ rồi tới nơi chị sẽ gọi. Nhắm mắt lại thiu thiu ngủ, cả bốn chị em đều mệt vì di chuyển từ sáng sớm tới giờ.
Bất chợt mở mắt dậy, ngó cảnh vật xung quanh. Con đường đi tối lắm, ánh sáng mặt trời chỉ len lỏi được qua những rặng cây, chiếc xe buýt chạy thật nhanh như thể đang lạc giữa rừng để tìm lối thoát. Hai mắt không dám ngủ tiếp nữa, lòng thầm nghĩ chắc chắn sẽ không hoang vu thế này, chắc chắn là không…Vẫn đi, vẫn đi mà khung cảnh ngày càng heo hút. Thôi, xác định là dân quê lại về ở quê rồi.

Xe buýt dừng lại thì có một anh người Nhật mặc áo đồng phục công ty đứng đón. Lại tiếp tục lên xe đi thêm một lúc nữa, cuối cùng xe cũng dừng lại, bước xuống sân công ty vội ngó xung quanh, công ty lọt thỏm giữa khu đất, xung quanh vẫn tràn ngập màu xanh của cây cối và núi đồi.

Đây là công ty Enuchikin nơi mình gắn bó suốt 3 năm thực tập.
Đây là công ty Enuchikin nơi mình gắn bó suốt 3 năm thực tập.

Làm quen với công ty và mọi người

Bắt đầu vào văn phòng gặp người công ty để làm một số thủ tục rồi sau đó ra toà thị chính để đăng kí tạm trú. Xong xuôi thì bốn chị em lên kí túc để nhận phòng. Công ty phân phòng theo xưởng, hai người làm xưởng sống ở một phòng, hai người xưởng chín chung một phòng. Bốn chị em sắp xếp đồ xong thì nghe tiếng nói cười của senpai vừa đi làm về, vội tập trung ở nhà bếp để ra mắt đội hình mới.

Chào hỏi mọi người xong mấy đứa ngồi im re nghe mấy chị kể chuyện. Câu chuyện nhiều tình tiết về biệt đội nhà gà, đặc biệt chúc mừng hai bạn xưởng sống đã rơi đúng vào ô mất lượt?. Qua lời kể của mọi người, xưởng sống được quản lý bởi một ông tên “Béo đen” rất ghê gớm, trong xưởng thì tiếng máy móc kêu không thể đọ nổi với tiếng quát mắng của ông ta. Nhân viên người Nhật dưới cấp còn đỡ, Thực tập sinh chẳng có tiếng nói thì xác định là thảm rồi, ngày vặt đùi với cánh của vài nghìn con gà vượt sản lượng mà vẫn bị chửi. Nghe nhiều quá giờ mọi người cũng thành quen, kẻ chửi thì cứ chửi người làm thì vẫn làm.Mình thì thấy yên tâm hơn vì làm bên xưởng chín, mọi người bảo ông sếp bên xưởng mình hiền và dễ tính, chẳng có gì phải lo đâu. Một cái thở phào nhẹ nhõm trong lòng.

Câu chuyện của sempai

Cửa bếp bất chợt mở, chị phiên dịch cùng một chị sempai năm nhất bước vào. Theo lời kể thì hai chị vừa đi bệnh viện về, chào hỏi xong chị ý giơ ngón tay ở trạng thái bị cong lên trước mặt mấy đứa nói “không thẳng lại được rồi”. Thì ra là bên xưởng chín của mình làm chế biến sasimi gà, mỗi người có một con dao ngọn dài khoảng 25cm để thái và gấp sasimi. Và trong một lần mài dao bất cẩn, dao xoẹt vào ngón tay cái của chị làm đứt gân đốt ngón cái, mấy lần đi viện rồi mà cái tay chưa lành được. Ngày xưa lúc đi phỏng vấn đơn hàng mình không được tư vấn là công việc sang đó là cầm dao, hơn nữa bác giám đốc cũng không thử tay nghề cầm dao của mọi người. Trong đầu chỉ nghĩ đơn chế biến thịt là là sang đó thịt gà được chế biến sẵn, công việc của mình là đóng gói sản phẩm vào túi, dán tem đầy đủ để xuất đi. Chưa từng nghĩ sẽ dùng dao để làm việc cả?.

Những tò mò và hoang mang qua lời kể của sempai làm cho cả bốn đứa cùng lo lắng. Ngày mai bắt đầu đến công ty chào hỏi mọi người và đi tham quan hai xưởng, mọi khó khăn chắc sẽ bắt đầu…

Chia sẻ: Đỗ Hương/ Group Nhật Bản chờ tôi nhé

Link gốc: https://www.facebook.com/groups/nhatbanchotoinhe/permalink/3141669855894581/

Xem thêm: