Học tiếng nhật có khó không? Đây là một câu hỏi đa số người khi bắt đầu học một ngôn ngữ mới sẽ thắc mắc. Tuy nhiên câu trả lời cho câu hỏi này thì không phải ai cũng giống như ai. Đối với mình tiếng Nhật rất khó, mặc dù hiện tại mình là sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Nhật. Trái với cách nói chuyện dễ thương mà bạn vẫn xem trên phim ảnh, anime. Thì khi học bạn phải trải qua trùng trùng điệp điệp các ngữ pháp, hán tự, từ vựng…Trước khi trả lời cho câu hỏi học tiếng Nhật có khó không thì bạn hãy xác định bản thân có phù hợp với những yếu tố dưới đây không nhé!
Trong tiếng Nhật dù bạn học đến N2 thì khi giao tiếp với người Nhật (đặc biệt là giới trẻ) chỉ có thể hiểu tầm 30-50%. Vì ngôn ngữ là thứ được cập nhập liên tục hằng ngày, còn sách thì không hẳn được như vậy.
Học tiếng Nhật có khó không?
Vì cảm thấy bạn cùng bàn cấp 2 nói tiếng Nhật rất ngầu nên mình đã quyết định học. Khi còn học ở cấp độ N5-N4, hán tự ít, ngữ pháp đơn giản, lúc đó mình còn ngây thơ nghĩ rằng hóa ra tiếng Nhật cũng chỉ dễ như vậy.
Nhưng khi lên tới N3, mình cảm thấy tiếng Nhật rất khó nên quyết định đã ngừng theo đuổi nó. Tuy nhiên sau đó mình lại nhận ra rằng tiếng Nhật là ngôn ngữ mà bản thân muốn theo đuổi tới cùng.
Xung quanh mình hay các bạn, hoặc chính các bạn cũng chỉ hứng thú nhất thời với tiếng Nhật vì một lý do nào đó. Có thể là muốn khoe khoang bản thân biết nhiều ngoại ngữ, hay cảm thấy tiếng Nhật rất ngầu,…
Và nếu vì những lý do đó mà bạn quyết định học tiếng Nhật thì hãy suy nghĩ thật kỹ. Tiếng Nhật không dễ như bạn tưởng, nếu không học đến cùng, thì bạn hãy chọn một thứ khác để học. Để tránh lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc.
Xác định rõ mục tiêu bản thân đang hướng đến
Không nhất thiết khi học tiếng Nhật, bạn phải học lên đến N1. Mỗi người sẽ có mục tiêu khác nhau như: Đi du học, đi làm, đi du lịch,…
Dựa vào yêu cầu của mục tiêu mà hướng học tiếng Nhật của mỗi người sẽ khác nhau. Giả sử nếu đơn giản bạn chỉ đi xuất khẩu lao động sang Nhật hay đi du lịch, bạn chỉ cần học giao tiếp cơ bản. Tuy nhiên nếu bạn du học hay làm việc với công ty Nhật thì bạn cần phải tìm hiểu thêm về văn hóa.
Bằng cấp N2 hay N1 là quan trọng nhưng không có nghĩa là nó quan trọng hay có ích với nhiều người. Bạn nên xác định trình độ tiếng Nhật mà bản thân muốn hướng đến để phục vụ cho học tập, làm việc. Hơn là việc chạy theo những tấm bằng để khoe khoang.
Nếu đã đọc đến đây rồi và có câu trả lời cho câu hỏi trên thì bạn có thể đọc tiếp. Với kinh nghiệm từ bản thân, mình sẽ chia sẻ các thử thách mà bạn phải vượt qua khi học tiếng Nhật.
Để trả lời học tiếng Nhật có khó không bạn cần hiểu rõ về tiếng Nhật
Bảng chữ cái
Khi bắt đầu bất kỳ một ngôn ngữ mới, điều đầu tiên là phải học bảng chữ cái. Tiếng Nhật không ngoại lệ nhưng nó đặc biệt. Bởi bạn phải học 3 bảng chữ cái (thật ra là 4) trước khi nhập môn vào tiếng Nhật.
Hiragana
Hiragana hay còn được gọi là bảng chữ mềm bởi nét viết mềm mại của nó. Đây sẽ là bảng chữ căn bản bạn được học đầu tiên. Bạn sẽ thấy được bảng chữ này ở nhiều nơi và được dùng để phiên âm đọc cho chữ hán tự.
Katakana
Katakana hay còn được gọi là bảng chữ cứng. Khác với Hiragana biểu thị cho các từ thuần Nhật thì Katakana dùng để phiên âm từ tiếng nước ngoài sang. Nếu trong sách vở, có thể bạn sẽ gặp bảng chữ này ít hơn. Tuy nhiên trong thực tế, Katakana đang được dùng rất nhiều, đặc biệt là giới trẻ và nhân viên công chức. Họ dùng để thể hiện học vấn cao và khả năng hội nhập nước ngoài.
Bảng chữ Hiragana và Katakana mỗi bảng hơn 40 chữ nên việc học thuộc và viết khá đơn giản (tầm 2 tuần đến 1 tháng).
Kanji (Hán tự)
Đây là một bảng chữ khiến người học vừa ghét mà vừa thích chúng. Mỗi chữ Kanji được ghép từ các bộ, người học có thể vẽ ra cả câu chuyện mỗi khi học Kanji.
Nếu bạn ở cấp độ N5-N4 thì việc có Kanji hay không cũng chẳng quan trọng. Tuy nhiên nếu bạn lên cấp độ cao hơn, việc có Kanji là một điều vô cùng cần thiết. Bởi trong tiếng Nhật có nhiều từ cùng âm, Kanji sẽ làm bạn hiểu rõ nghĩa mà từ vựng muốn biểu đạt.
Tìm hiểu cách phát âm
Thật ra thì phát âm trong tiếng Nhật không khó. Chỉ cần bạn luyện tập và ghi nhớ cách đọc bảng chữ cái thì có thể đọc bất kỳ văn bản nào. Về phát âm thì tiếng Nhật dễ hơn rất nhiều so với tiếng Anh, Trung hay thậm chí là cả Việt Nam.
Ngữ pháp trong tiếng Nhật
Người ta có câu “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Tuy nhiên mình thấy ngữ pháp Nhật có khi còn hơn cả bão táp đấy chứ.
Động từ
Động từ trong tiếng Nhật được chia thành 3 nhóm (Nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3). Bên cạnh đó còn có khá nhiều thể như: thể từ điển, thể て(te), thể た (ta), bị động, sai khiến,…
Mỗi thể sẽ có cách chia khác nhau tùy vào nhóm từ vựng, mỗi ngữ pháp sẽ đi với cách chia khác nhau.
Có thể bạn vẫn chưa hiểu mình đang nói cái gì nếu bạn chưa học qua. Ừ thì tiếng Nhật vốn khó hiểu vậy mà.
Tính từ
Gồm 2 loại tính từ: Tính từ đuôi い(i) và đuôi な (na)
Tính từ đuôi な (na) thường có cách chia như danh từ trong các mẫu ngữ pháp.
Trợ từ
Tiếng Nhật gồm 6 trợ từ: は(chữ ha đọc là wa), が (ga), に (ni), へ(chữ hê đọc là ê), で (de), を(wo)
Tùy vào động từ/ ngữ cảnh trong câu mà trợ từ đi kèm sẽ khác nhau.
Bên cạnh những điều trên thì khi học từ trình độ N4 trở lên sẽ gặp những mẫu ngữ pháp tương tự nhau. Và lúc đó bạn sẽ phải phân biệt xem ngữ pháp nào sẽ dùng cho đối tượng, ngữ cảnh như thế nào.
Nghe – Nói (Giao tiếp) trong tiếng Nhật
Đối với mình, đây chính là 2 phần khó nhất trong tiếng Nhật. Nếu bạn có tìm hiểu qua văn hóa Nhật thì sẽ thấy rằng, người Nhật rất ít khi trả lời trực tiếp các câu hỏi. Thường họ sẽ nói vòng vo trước và trả lời theo ý ngầm hiểu. Vì thế khi nghe, bạn phải nắm bắt được ý mà họ muốn truyền đạt điều gì.
Nghe – nói có thể được coi là ngôn ngữ nhật dụng (dùng hằng ngày) nên nếu chỉ học trong sách thì rất khó để giao tiếp được. Khi nói với người ngang hàng hay nhỏ hơn, người Nhật thường nói ngắn gọn bằng cách chia từ sang thể ngắn. Tuy nhiên khi nói với người lớn hơn, họ sẽ dùng tôn kính ngữ và khiêm nhường ngữ, câu văn sẽ dài hơn.
Các ngôn ngữ giới trẻ cũng thường được người Nhật sử dụng.
Đọc hiểu trong tiếng Nhật
Thật ra việc đọc hiểu một văn bản không quá khó. Vì ý nghĩa của từ ngữ, ngữ pháp được thể hiện lên bề mặt chữ. Chúng ta có thời gian để ngồi phân tích. Không giống như nghe – nói phải yêu cầu tốc độ và chính xác.
Tuy nhiên đó chỉ là về mặt sách vở. Nếu bạn sinh sống tại Nhật thì sẽ thấy rằng người Nhật đang dùng rất nhiều từ tiếng Anh được Nhật hóa. Khi ấy, các từ vựng đã học không giúp ích gì nhiều và bạn phải nạp thêm kiến thức các từ ngoại lai.
Không chỉ trong văn bản mà khi nói người Nhật cũng dùng rất nhiều từ ngoại lai. Đây là điều mà bạn nên tìm hiểu trước để đỡ bỡ ngỡ khi giao tiếp với người Nhật nhé.
Vậy là thông qua những chia sẻ về chủ đề Học tiếng Nhật có khó không? Những sự thật bạn cần biết trước khi học. Tớ hi vọng là có thể giúp mọi người có cái nhìn bao quát hơn về tiếng Nhật. Đồng thời bạn phải có đam mê và kiên trì đến cùng với thứ ngôn ngữ khó nhằn này. Chúc bạn thành công. Bạn có thể tham khảo những kinh nghiệm học tiếng Nhật tại đây. Cảm ơn bạn đã theo dõi nhatbanchotoinhe.com
Tổng hợp bởi: Team nhatbanchotoinhe
NHATBANCHOTOINHE.COM
KÊNH THÔNG TIN DU HỌC, DU LỊCH XKLĐ VIỆC LÀM NHẬT BẢN HÀNG ĐẦU VIỆT NAM
Liên hệ: ducquyads@gmail.com
Website: https://nhatbanchotoinhe.com/
Group facebook hỏi đáp tiếng Nhật: Học tiếng Nhật cho người mới
Fanpage: Nhật Bản chờ tôi nhé