Hướng dẫn thai sản ở Nhật Bản chi tiết từ A – Z

Chi phí sinh con tại bệnh viện Nhật không hề rẻ, trung bình dao động từ 40-70 man. Chính vì thế việc tìm hiểu về chế độ thai sản ở Nhật Bản được rất nhiều người quan tâm. Số tiền được nhận được từ chế độ trợ cấp thai sản sẽ giúp các cặp vợ chồng sinh con tại Nhật Bản chi trả được phần nào trong quá trình sinh con. Đặc biệt hơn nữa, nếu bạn muốn về Việt Nam để sinh con rồi trở lại Nhật thì vẫn có thể được nhận khoản tiền thai sản này.

Vậy bạn có muốn biết quy định của chính phủ Nhật Bản về chế độ đãi ngộ dành cho phụ nữ sinh con như thế nào không? Bạn có muốn biết cách tính tiền trợ cấp thai sản ở Nhật? Hay các thủ tục để nhận trợ cấp thai sản ở Nhật như thế nào? Hãy cùng mình tìm hiểu chi tiết từ A – Z về chế độ thai sản ở Nhật Bản trong nội dung dưới đây nhé.

chế độ thai sản tại Nhật
chế độ thai sản tại Nhật

1. Chế độ thai sản ở Nhật Bản là gì?

Cũng như ở Việt Nam, tại Nhật Bản phụ nữ mang thai và sinh con cũng có những chế độ đại ngộ nhất định. Từ các chế độ hỗ trợ chi phí khám thai cho tới việc nhận trợ cấp sinh con.

Tên chính thức của chế độ nghỉ thai sản ở Nhật Bản là 産前産後休業 (Sanzen sango kyugyo). Tức là nghỉ trước và sau khi sinh. Đây là chế độ nghỉ phép đặc biệt được pháp luật Nhật Bản quy định dành cho lao động nữ trong quá trình mang thai và sinh con. Chế độ này là rất cần thiết để phụ nữ ở Nhật Bản có thể cân bằng giữa sinh con và làm việc.

Chế độ thai sản ở Nhật
Chế độ thai sản ở Nhật

2. Thời gian nghỉ thai sản ở Nhật

Theo quy định tại Nhật Bản, phụ nữ sẽ được nghỉ 42 ngày trước ngày dự sinh và 56 ngày sau sinh. Đối với trường hợp mẹ mang song thai trở lên, sẽ được nghỉ 98 ngày trước ngày dự sinh và 56 ngày sau khi sinh. Trong thời gian nghỉ thai sản lao động nữ vẫn sẽ được nhận 2/3 mức lương một ngày nhân với số ngày nghỉ thực tế.

Tuy nhiên, nghỉ trước sinh sẽ không bắt buộc. Vì vậy, tùy vào thực tế sức khỏe mà lao động nữ có thể tiếp tục làm việc cho đến gần ngày sinh con.

Ngoài ra, khi hết thời gian nghỉ sau sinh như quy định là 56 ngày. Nếu các mẹ chưa muốn quay lại làm việc ngay thì có thể xin nghỉ phép chăm sóc nuôi con cho đến khi con tròn 1 tuổi. Hoặc gia hạn thời gian nghỉ chăm con cho đến khi bé đủ 1 tuổi 6 tháng. Vấn đề này thường xảy ra đối với các mẹ chưa tìm được nhà trẻ phù hợp để gửi con.

Ngoài ra, từ tháng 10 năm 2017, đã có quy định bổ sung cho trường hợp nếu bé đủ 1 tuổi 6 tháng mà vẫn không tìm được nhà trẻ. Trường hợp này mẹ vẫn có thể kéo dài thời gian đến khi tròn 2 tuổi.

3. Các khoản trợ cấp trong quá trình mang thai và sinh con

Trong quá trình mang thai cho tới khi sinh con tại Nhật Bản, lao động nữ có thể nhận các khoản trợ cấp sau đây:

  • Trợ cấp khám thai sản
  • Trợ cấp sinh con
  • Trợ cấp nghỉ thai sản
  • Trợ cấp nghỉ chăm con của bố và mẹ
  • Trợ cấp nuôi con nhỏ lần đầu
  • Những phúc lợi xã hội khác…

3.1. Trợ cấp khám thai sản

Để nhận được khoản trợ cấp khám thai, các mẹ sẽ cần xin giấy hỗ trợ chi phí khám thai (妊婦健康診査受診票).

Khi biết bản thân mang thai, bạn hãy tiến hành khai báo tại Trung tâm hành chính địa phương ở Nhật. Được gọi là Shiyakusho (市役所) hoặc Kuyakusho (区役所) để được nhận Sổ tay mẹ con (母子手帳: boshi techou). Kèm theo đó là một Tập giấy hỗ trợ chi phí khám thai như mình vừa nói ở trên.

Tập giấy 妊婦健康診査受診票 này gồm 14 tờ tương đương với 14 lần khám thai. Mức phí hỗ trợ khám thai là không cố định. Nó sẽ phụ thuộc vào từng địa phương nơi bạn sinh sống.

Ví dụ, ở các thành phố thuộc Tokyo năm 2022. Thai phụ có thể giảm 85,460 yên cho 14 lần khám. Còn ở thành phố Osaka thai phụ có thể giảm 120,650 yên cho 14 lần khám.

Trong suốt thai kỳ, tổng số lần khám thai thông thường là 14 lần. Chi phí khám lần đầu khoảng 10,000 yên. Các lần khám định kỳ khác 5,000 yên/lần. Ngoài ra còn các khoản xét nghiệm thai kỳ nữa. Tổng chi phí để khám thai sẽ rơi vào khoảng 100,000 yên. Với giấy hỗ trợ chi phí khám thai các mẹ có thể được giảm một phần chi phí đáng kể. Tuy nhiên số lượng chỉ hạn chế là 14 tờ. Vì vậy hãy cân nhắc cho những lần sử dụng nhé. Hãy sử dụng nó cho lần đầu khám thai và làm những xét nghiệm thai kỳ vì chi phí mỗi lần khám thường lên tới 10,000 yên.

3.2. Trợ cấp sinh con

Chi phí sinh con tại bệnh viện Nhật Bản dao động khoảng 40 – 70man. Nhiều gia đình muốn tiết kiệm chi phí đã về Việt Nam sinh chọn rồi quay trở lại Nhật Bản. Trong trường hợp này, các bạn hãy yên tâm vì vẫn có thể được nhận khoản tiền trợ cấp sinh con này.

Về cơ bản, chính sách này hỗ trợ cho sản phụ một khoản tiền trợ cấp lên đến 420,000 yên/ 1 bé. Đặc biệt, chính sách này không phân biệt người có quốc tịch Nhật Bản hay nước ngoài, chỉ cần bạn sinh con ở Nhật, tham gia bảo hiểm sức khỏe thì đều có thể nhận được số tiền này.

Để nhận được trợ cấp sinh con, người mẹ phải đáp ứng các yêu cầu sau:

  • Mang thai trên 85 ngày. Trong trường hợp người mẹ gặp tai nạn và bị sảy thai thì vẫn được nhận khoản trợ cấp khi đáp ứng điều kiện về thời gian mang thai.
  • Có tham gia 1 trong 2 loại bảo hiểm sau: Bảo hiểm sức khỏe quốc dân (国民健康保険) hoặc Bảo hiểm xã hội (社会保険). Hoặc là người thân phụ thuộc vào người có bảo hiểm sức khoẻ (vợ có chồng đóng bảo hiểm xã hội ở công ty).
  • Trong thời gian nghỉ làm không được trả lương – thưởng hoặc số tiền lương – thưởng được trả ít hơn so với tiền trợ cấp sinh con
  • Tại một số địa phương còn yêu cầu thêm tư cách lưu trú của người mẹ phải trên 1 năm.

*** Nếu không thuộc đối tượng nhận chế độ trợ cấp y tế sản khoa như thai kì chưa đủ 22 tuần thì số tiền trợ cấp là 404.000 yên.

3.3. Trợ cấp nghỉ thai sản

Trợ cấp nghỉ sinh con hay còn gọi là nghỉ thai sản là khoản trợ cấp cho thai phụ trong thời gian nghỉ làm để sinh con. Đối tượng nhận được trợ cấp nghỉ thai sản là những người có tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội ở công ty từ 1 năm trở lên.

Về nguyên tắc, tiền trợ cấp nghỉ thai sản được tính dựa trên số ngày nghỉ thai sản. Và được hưởng 2/3 ngày lương nhân với ngày nghỉ thực tế. Nhiều nhất là 98 ngày, nếu mang thai đôi trở lên là 154 ngày.

Ví dụ: Lương cơ bản của bạn là 18 man yên/ tháng, bạn nghỉ thai sản khi sinh con tổng 98 ngày (42 ngày trước khi sinh + 56 ngày sau khi sinh). Vậy số tiền bạn nhận được là:

  • 1 ngày = (180,000/30)*(2/3)= 4,000 yên/ngày.
  • Tổng số tiền bạn nhận được là 4,000 * 98 = 392,000 yên.

3.4. Trợ cấp nghỉ chăm con

Thời gian nghỉ làm sinh con theo luật lao động Nhật Bản là 56 ngày. Tuy nhiên sau thời gian đó bạn vẫn có thể xin nghỉ thêm để chăm con cho tới khi con đủ 1 tuổi 6 tháng. Hoặc cũng có thể kéo dài tới khi con 2 tuổi. Số tiền trợ cấp nghỉ chăm con này được chi trả bởi bảo hiểm việc làm.

Điều kiện để nhận trợ cấp chăm con:

  • Đang tham gia bảo hiểm việc làm
  • Trong thời gian nghỉ chăm con sẽ không được nhận tiền trợ cấp chăm con quá 80% tiền lương khi đi làm.
  • Trong vòng 2 năm trước khi chăm con, có trên 12 tháng làm việc với số ngày làm việc trên 11 ngày.
  • Số ngày làm việc là ít hơn 10 ngày đối với khoảng thời gian thanh toán.

Tiền trợ cấp nghỉ chăm con sẽ được tính là 67% của tiền lương hàng tháng cho đến ngày thứ 180. Từ ngày 181 trở đi sẽ là 50% tiền lương hàng tháng.

*** Lưu ý: Số tiền trợ cấp nghỉ chăm con tối đa có thể nhận được là 285,621 yên (mức 67% lương) và 213,150 yên (mức 50% lương).

3.5. Trợ cấp nuôi con nhỏ lần đầu

Ngoài các khoản trợ cấp thai sản ở trên, các mẹ sinh con lần đầu tại Nhật Bản còn có thể nhận được khoản trợ cấp nuôi con nhỏ lần đầu. Có tên tiếng Nhật là 児童手当 jidou teate. Đây là khoản tiền được hỗ trợ cho trẻ em từ khi sinh ra cho đến hết trung học cơ sở. Số tiền trợ cấp được tính dựa vào độ tuổi và thu nhập của bố hoặc mẹ. Lưu ý trong gia đình chỉ chọn xét một người, và xét người có mức thu nhập cao hơn.

Độ tuổi Số tiền trợ cấp Thông tin khác
Từ 0 ~ 3 tuổi 15.000 yên/tháng
Từ 3 tuổi ~ hết bậc trung học cơ sở 10.000 yên/tháng Trường hợp là con thứ 3 trở đi trong gia đình sẽ được nhận 15.000 yên/tháng

*** Nếu một trong hai người bố hoặc mẹ có thu nhập cao vượt mức trung bình quy định, trẻ em sẽ chỉ nhận được 5.000 yên/tháng.

3.6. Một số khoản trợ cấp phúc lợi khác

Ngoài những khoản trợ cấp trong quá trình mang thai và sinh con được liệt kê trên. Tại mỗi địa phương còn có những chính sách phúc lợi khác dành cho phụ nữ sinh con. Các bạn có thể tìm hiểu thêm để không bỏ lỡ những khoản trợ cấp này nhé!

  • Tại quận Edogawa (江戸川区) ở Tokyo, đối với các bé chưa đi nhà trẻ công sẽ được nhận được khoản trợ cấp 13,000 yên/ tháng. Tính từ khi sinh ra đến sinh nhật 1 tuổi (tổng cộng 12 lần).
  • Tại thành phố Fukushima, mỗi hộ gia đình nuôi con nhỏ sẽ được nhận trợ cấp lên đến 1 vạn yên/năm/trẻ.
  • Một số địa phương khác tại Nhật còn có chế độ hỗ trợ phụ nữ sau sinh khác. Như chế độ thăm khám cho bé sơ sinh, chăm sóc sau sinh, hỗ trợ gia đình có con nhỏ …

Ngoài ra, phụ nữ sinh con còn được miễn nộp phí bảo hiểm hưu trí quốc dân 4 tháng trước và sau sinh. Trường hợp sinh đôi trở lên thì được miễn 6 tháng.

3.7. Một số khoản phụ cấp cho trẻ nhỏ

Bên cạnh các chế độ dành cho mẹ, thì trẻ nhỏ từ khi sinh ra cũng nhận được một số chế độ đãi ngộ đặc biệt. Bao gồm:

  • Trợ cấp chi phí y tế cho trẻ sơ sinh

Ở Nhật Bản, trẻ sơ sinh sẽ được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho đến khi học hết trung học cơ sở. Trợ cấp này sẽ được áp dụng cho trẻ đang sinh sống tại địa phương, và đã đăng ký bảo hiểm y tế. Thông thường bảo hiểm của trẻ sẽ theo công ty của bố hoặc mẹ. Trong trường hợp bố mẹ không đi làm công ty thì con sẽ đăng ký bảo hiểm quốc dân. Tuỳ từng địa phương mà các bạn sẽ phải làm thủ tục giấy tờ yêu cầu thanh toán chi phí khám chữa bệnh khác nhau.

Độ tuổi Trợ cấp được nhận
Từ 0 – 3 tuổi Nhận được chế độ tiêm chủng miễn phí và khám sức khỏe định kỳ miễn phí tại các cơ sở y tế ở địa phương.
Từ 0 ~ hết bậc trung học cơ sở Các bé sẽ được nhận được Thẻ chứng nhận nhận trợ cấp y tế cho trẻ em để xuất trình khi đi khám chữa bệnh cùng với thẻ bảo hiểm y tế.
  • Trợ cấp nuôi dưỡng trẻ em

Khoản trợ cấp này dành cho trẻ em trong gia đình có cha và mẹ không cùng sinh sống. Vì các lý do như ly hôn, qua đời, hoặc bị bỏ rơi. Trẻ sẽ được nhận trợ cấp nuôi dưỡng cho đến năm 18 tuổi.

Số tiền trợ cấp được nhà nước tính dựa trên số lượng trẻ được nuôi dưỡng hoặc thu nhâp của người bố/mẹ.

Số lượng trẻ Trợ cấp toàn phần Trợ cấp một phần
1 trẻ 42.910円 10.120円~42.900円
2 trẻ Cộng thêm 10.140円 Cộng thêm từ 5.070円~10.130円
3 trẻ trở lên Cộng thêm 6.080円/trẻ Cộng thêm từ 3.040円~6.070円/trẻ

*** Lưu ý: Hằng năm vào tháng 8, người nuôi dưỡng trẻ phải gửi báo cáo đến chính quyền địa phương về tình trạng nuôi dưỡng hiện tại của trẻ được nhận trợ cấp. Nếu không thực hiện việc này, người nuôi dưỡng và trẻ sẽ bị cắt trợ cấp của 11 tháng tiếp theo.

  • Chế độ miễn phí giáo dục mầm non

Ngày 10/5/2019, dự thảo về Chế độ miễn phí giáo dục mầm non đã chính thức được thông qua bởi Tham nghị viện Nhật Bản. Thời gian chính thức áp dụng quy đình này sẽ là từ tháng 10 năm 2019.

  • Các bé 0 – 2 tuổi ở các hộ gia đình được miễn đóng thuế thị dân.
  • Các bé từ 3 – 5 tuổi ở tất cả các hộ gia đình (không phân biệt thu nhập).

Điều kiện:

  • Các bé đang học tại các nhà trẻ được công nhận và nhà trẻ kết hợp mẫu giáo.
  • Các bé học mẫu giáo có mức học phí 25.700 yên sẽ được miễn học phí.

Một số trường hợp đặc biệt

  • Bé đang học tại các trường không được công nhận sẽ được hỗ trợ tối đa 37.000 yên/ tháng (3 – 5 tuổi) và 42.000 yên/ tháng (0 – 2 tuổi trong gia đình miễn đóng thuế thị dân).
  • Các bé học mẫu giáo mà gửi ngoài giờ cũng sẽ được hỗ trợ tối đa 13.000 yên/tháng.

4. Hưỡng dẫn đăng ký nhận trợ cấp thai sản tại Nhật Bản

4.1. Hướng dẫn đăng ký nhận trợ cấp khám thai

Khi biết bản thân mang thai (khi bác sĩ đã xác nhận có tim thai), bạn hãy gửi thông báo mang thai gọi là 妊娠届出書 (ninshin-todokede-sho) đến văn phong quận ở nơi gia đình bạn đang sống.

Sau khi gửi xong thông báo mang thai, bạn sẽ nhận được sổ mẹ và bé. Tiếng Nhật là 母子健康手帳 boshi-kenko-techou. Hay thường được gọi tắt là boshi-techou hoặc boshi-chou. Đồng thời cũng sẽ nhận được huy hiệu thai phụ.

Cùng với sổ mẹ và bé, bạn sẽ nhận được một tập phiếu khám thai gồm 14 tờ. Trong trường hợp sinh đôi có thể nhận thêm một số phiếu bổ sung. Phiếu khám thai này dùng để đi khám thai tại bệnh viện và các phòng khám phụ khoa. Nó giúp hỗ trợ 1 phần chi phí khám thai cho thai phụ.

Thủ tục nhận sổ mẹ và bé và phiếu khám thai:

  • Thẻ lưu trú (在留カード)
  • Con dấu (印鑑)
  • Giấy khám thai tại bệnh viện (giấy này phía bệnh viện sẽ cấp cho bạn)
  • Giấy thông báo mang thai (妊娠届出書): giấy này phía quận sẽ đưa cho bạn để điền các thông tin như tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, ngày dự sinh, bệnh viện bạn dự định sinh con, v.v.

Trong trường hợp mẹ không thể đi lên văn phòng quận làm thủ tục được, chồng có thể lên lấy giúp. Có một số bệnh viện sẽ làm thủ tục này cho bạn. Để biết thêm chi tiết bạn nên hỏi thêm thông tin tại bệnh viện thăm khám.

4.2. Hướng dẫn đăng ký nhận trợ cấp sinh con

– Đối với mẹ sinh con tại Nhật

Có 3 cách để đăng ký nhận trợ cấp sinh con tại Nhật Bản. Đó là:

  • Chế độ chi trả trực tiếp (直接支払制度 )
  • Chế độ uỷ quyền nhận tiền ( 受取代理制度 )
  • Chế độ yêu cầu chi trả sau sinh (直接請求)

Thủ tục đăng ký nhận trợ cấp sinh con chia làm 2 trường hợp như sau:

  • Trường hợp 1: Bạn (người vợ) tham gia bảo hiểm độc lập hoặc do thu nhập của bạn trên 120 man / năm nên bị tách bảo hiểm quốc dân. Trường hợp này bạn sẽ nhận bảo hiểm tại địa phương nơi bạn đang sinh sống và nộp hồ sơ tại phòng bảo hiểm ở tòa thị chính.
  • Trường hợp 2: Bảo hiểm của bạn theo chồng. Trường hợp này người chồng sẽ liên hệ trực tiếp với công ty để được hướng dẫn cách nộp hồ sơ hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan bảo hiểm nơi mình có thẻ bảo hiểm.

– Đối với mẹ về Việt Nam sinh con

Với trường hợp về Việt Nam sinh con, để nhận khoản trợ cấp 42 man này bạn sẽ cần chuẩn bị các loại giấy tờ như sau:

  • Giấy chứng sinh (kèm theo bản dịch tiếng Nhật)
  • Giấy đăng ký nhận trợ cấp sinh con (出産育児一時金申請書)
  • Giấy xác nhận viện phí, chi phí sinh sản tại nơi sinh con (kèm theo bản dịch tiếng Nhật)
  • Bảo hiểm của bạn
  • Hộ chiếu của bạn
  • Sổ tay mẹ và bé
  • Con dấu của bạn (nếu bạn tham gia bảo hiểm độc lập) hoặc của chồng bạn (nếu bạn theo bảo hiểm của chồng)
  • Sổ ngân hàng của bạn tại Nhật (nếu bạn tham gia bảo hiểm độc lập) hoặc của chồng bạn (nếu bạn theo bảo hiểm của chồng)

Trong trường hợp bạn ủy quyền cho người khác nhận hộ, ngoài các giấy tờ nêu trên bạn sẽ phải có thêm một số giấy tờ sau:

  •  Giấy ủy quyền
  • Con dấu của người được ủy quyền
  • Sổ ngân hàng của người được ủy quyền

Sau khi hoàn tất giấy tờ trên đến nộp tại ủy ban đang sinh sống ở Nhật tòa thị chính hoặc tại công ty của chồng đang làm việc.

4.3. Hướng dẫn đăng ký nhận trợ cấp nghỉ sinh

Để nhận được khoản trợ cấp nghỉ sinh, thai phụ sẽ cần thông báo với công ty nơi làm việc về thời gian dự sinh và thời gian muốn nghỉ. Công ty sau khi nhận thông tin sẽ hướng dẫn bạn chi tiết các bước để được nhận trợ cấp này.

Trong khoảng thời gian 1 tháng trước khi bắt đầu nghỉ chăm con, bạn cần đem các giấy tờ đã chuẩn bị đến nộp tại Hiệp hội bảo hiểm sức khoẻ nơi gần nhất. Giấy tờ bao gồm:

  • Đơn xin trợ cấp nghỉ sinh
  • Photo thẻ Mynumber hoặc các giấy tờ chứng minh như thẻ ngoại kiều, bằng lái xe… Mang theo cả bản gốc khi nộp;
  • Bản photo Bảo hiểm sức khỏe
  • Bản photo Sổ tay mẹ và bé
  • Con dấu cá nhân
  • Giấy tờ chứng minh của công ty nơi bạn đang làm việc.

Sau khi nộp hồ sơ đăng ký nhận trợ cấp nghỉ sinh tại Nhật Bản, Thời gian nhận tiền là từ 2 tuần đến 2 tháng sau khi nộp đơn.

4.4. Hướng dẫn đăng ký nhận trợ cấp chăm con

Để nhận được khoản trợ cấp chăm con tại Nhật Bản, bạn có thể nhờ công ty hỗ trợ   làm thủ tục. Hoặc tự bạn làm và nộp tại Hello Work.

  • Bước 1: Bạn liên hệ công ty trước để hỏi xem trường hợp của bạn có đủ điều kiện để nhận trợ cấp nghỉ chăm con hay không. Vì có trường hợp dù đã đóng bảo hiểm lao động nhưng không đạt những yêu cầu đi kèm nên không đủ điều kiện nhận trợ cấp này.
  • Bước 2: Bạn cần thông báo với công ty dự định nghỉ chăm con (trước khi nghỉ 1 tháng).
  • Bước 3: Nhận tất cả các loại giấy tờ cần thiết để xin nghỉ chăm con từ công ty.
  • Bước 4: Điền các thông tin cần thiết và nộp lại cho công ty. Hoàn thành mẫu Đơn xin nghỉ chăm con theo form và các thủ tục khác rồi nộp đơn tại công ty hoặc Hellowork.
  • Bước 5: Sau ngày nộp hồ sơ xin nghỉ chăm con khoảng 2 tháng đến 5 tháng thì số tiền trợ cấp đầu tiên sẽ được chuyển về tài khoản đã đăng ký. Sau đó thì cứ 2 tháng 1 lần cần phải tiếp tục làm thủ tục để được nhận trợ cấp tiếp theo.

5. Tổng kết!

Trên đây là một số thông tin về chế độ thai sản ở Nhật Bản. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích đến bạn. Để được hỗ trợ toàn diện về các vấn đề liên quan tới người Việt tại Nhật Bản. Hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh chóng nhất.

 

Nhận tư vấn miễn phí

"CHƯƠNG TRÌNH DU HỌC VÀ XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG NHẬT BẢN 2022"

  • Bạn đang tìm hiểu về chương trình du học?
  • Bạn đang chưa biết nên đi xklđ Nhật Bản như thế nào?
  • Bạn muốn nhận thông tin chính xác nhất?